Quảng cáo top
VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW VIETNAMREVIEW

Khám phá những ngôi trường THPT lâu đời nhất Sài Gòn

Dạo quanh thành phố Hồ Chí Minh, các bạn sẽ thấy được vô số các trường THPT, một số trường có các cảnh quan kiến trúc trông rất cũ kĩ và châu Âu, vì có thể đã được thành lập được hàng trăm năm từ thời Pháp thuộc. Hãy cùng VietNam Review tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của những ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn nhé. 

TRƯỜNG THPT MARIE CURIE

  • Địa chỉ: 159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Thành lập: năm 1918

Một trong những ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn không thể không thể kể đến trường THPT Marie Curie – ngôi trường trung học dành cho nữ sinh thời Pháp thuộc. Được thành lập năm 1918, được đặt tên theo nhà khoa học Marie Curie. Trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, trường là trường trung học tư thục cho nữ sinh. Đến năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh theo học.

Hình ảnh hiếm hoi của Trường Marie Curie thời Pháp thuộc

Vào những năm của thế kỷ 19, Pháp tiến hành đô hộ vào các tỉnh miền Nam Việt Nam, bắt buộc người Việt từ bỏ nền Nho học, chữ Nôm, chữ Hán và được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ như hiện nay, để phục vụ cho bộ máy cai trị bấy giờ.

Tên gọi lúc đầu của ngôi trường này là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp Lycée Marie Curie. Sau đó được đổi thành tên của nữ bác học người Ba Lan, người từng 2 lần đoạt giải Nobel danh giá tên “Marie Curie”. 

Ngôi trường này ban đầu được chỉ định dành cho nữ sinh người Pháp và một số ít nữ sinh có gốc gác trâm anh thế phiệt người Việt. Năm 1941, Nhật tiến vào Đông Dương, ngôi trường này được tận dụng làm bệnh viện. Sau một năm, trường được trả về nơi cũ với tên gọi là trường trung học cơ sở Calmette. Tiếp theo đó, năm 1945 trường lại được đổi tên thành trường trung học Lucien Mossard. Sau nhiều lần di dời địa điểm, chuyển đổi công năng và chỉnh trang tu sửa lại. Đến năm 1948, trường lại quay về với cái tên cũ là Marie Curie.

Pho tượng của bà Marie Curie được đặt trang trọng ở khuôn viên trường

Tuy là một trường bán công, trường THPT Marie Curie vẫn là một trong số các trường có chất lượng đào tạo, thi cử và kỷ luật khá cao. Hiện giờ, cùng với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trường THPT Marie Curie là một trong 3 trường Trung học phổ thông có dạy Pháp văn của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2 lớp Pháp văn và 2 lớp song ngữ (Anh-Pháp) trong tổng số 30 lớp ở mỗi khối.

TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI

  • Địa chỉ: 275 Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thành lập: năm 1913.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Tên cũ: Trường nữ Trung học Gia Long, Trường nữ sinh Áo Tím) là một trường THPT công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập vào năm 1913, đến nay trường là một trong những ngôi trường lâu đời nhất của Sài Gòn và của nền giáo dục Việt Nam. 

Khoảng đầu thế kỷ 20, nền giáo dục còn mang tính chất Nho giáo ở Việt Nam ít chú trọng đến giáo dục nữ giới. Đến năm 1908, Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ Lê Văn Trung cùng bà vợ của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương đề nghị chính quyền thực dân Pháp thành lập một ngôi trường đa cấp dành cho nữ. Đề nghị được chấp nhận nhưng mãi đến 1913 ngôi trường mới được khởi công trên một khu đất rộng đường Legrand de la Liraye, Sài Gòn (nay thuộc đường Điện Biên Phủ, Thành phố Hồ Chí Minh), việc khởi công chậm này là vì không có kinh phí.

Một số hình ảnh hiếm hoi về Trường nữ Trung học Gia Long

Khóa đầu tiên trường tuyển 42 nữ sinh, đồng phục khi này là áo dài tím, tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt Nam nên trường còn có tên là Trường Nữ sinh Áo Tím. Thời gian này tiếng Pháp được dạy từ cấp lớp căn bản, là ngôn ngữ chính thức dùng trong việc giảng dạy các lớp bậc trung học đệ nhất cấp, trong trường nữ sinh chỉ được dùng tiếng Pháp để giao tiếp; còn tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần 2 tiếng trong giờ Việt Văn. Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu của trường là đóa mai vàng khâu lên trên áo. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường sau đó cũng được đổi sang tiếng Việt và tên trường đổi thành tên tiếng Việt Trường Nữ Trung học Gia Long. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, trường được chính quyền mới đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai. Niên khóa 1978-1979, Trường giải thể cấp 2, thu nhận nữ sinh lẫn nam sinh, đổi tên thành THPT Nguyễn Thị Minh Khai tới bây giờ.

Kiến trúc trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện tại

Năm 2003, trường được đưa vào danh mục của 55 công trình đề nghị điều tra xác lập di tích kiến trúc cổ của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, trường được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố.

TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN

  • Địa chỉ: 110 Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thành lập: năm 1874.

Trường THPT Lê Quý Đôn là một trường THPT công lập, đây cũng là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập năm 1874, với tên gọi ban đầu Collège Chasseloup-Laubat. Đây được xem là ngôi trường THPT lâu đời nhất Sài Gòn và lâu đời nhất Việt Nam. 

Khung cảnh cổng trường Collège Chasseloup-Laubat

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup-Laubat, theo tên của Hầu tước Prosper de Chasseloup-Laubat (1805–1873), Bộ trưởng Hải quân Pháp. Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp. Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý.

Quang cảnh cổng trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay

Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ 1975, chính quyền Việt Nam vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trường THCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trường THPT Lê Quý Đôn). Đây là ngôi trường cổ xưa nhất tại Sài Gòn. 

Năm 2009, nhà trường đã hoàn tất lứa đầu tiên của mô hình chất lượng cao với tỉ lệ tốt nghiệp 100% và chính thức trở thành trường Công lập tự chủ tài chính. Trường được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Thành phố vào ngày 19 tháng 11 năm 2020.

Chúng ta vừa khám phá và biết thêm được lịch sử thành lập và phát triển của 3 trong những ngôi trường THPT lâu đời nhất Sài Gòn. Tuy được xây dựng vào thời kỳ thực dân Pháp nhưng hiện nay các lối kiến trúc vẫn còn được gìn giữ, các chương trình giảng dạy cũng đã được nâng cấp để phù hợp với thời đại mới. Hi vọng các ngôi trường này sẽ tồn tại bền vững và phát triển thêm hàng trăm năm nữa để có thể sản sinh ra những người tài cho thế hệ sau.