Đôi nét về Âm nhạc truyền thống Việt Nam
Ta có thể nghe giai điệu của những bài hát ru, những bài đồng dao, những thể loại ca nhạc trong nghi thức cúng lễ, tang ma hay trong lối đối đáp giữa các thành viên trong cộng đồng, trong vui chơi, trong các cuộc thi thố với những thể hát đố, hát đối đáp thi tài của trai gái, những điệu hát khi chơi bài hoặc khi kể những áng trường ca, những câu ca tiếng đàn của những người hát rong, của các ban “tài tử” cùng những thể loại ca kịch truyền thống…
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Điệu hát ru Việt khác ru Thái, ru Dao, ru Mường… Có tộc dùng lời ca tiếng hát để đưa trẻ vào giấc ngủ. Có tộc lại ru con bằng tiếng đàn, tiếng sáo êm ái.
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, điều đó đồng nghĩa rằng có 54 nền âm nhạc truyền thống khác nhau.. Thế nên trong bài viết này xin được đề cập đến âm nhạc truyền thống của tộc người Kinh. Có nhiều cách để phân loại âm nhạc truyền thống của người Kinh:
Nếu phân chia theo thể loại, ta có: nhạc Cung đình, Chèo, Tuồng, Hát Xẩm, Đờn ca tài tử, dân ca, Ca trù…
Nếu phân chia theo vùng miền, ta có: Nhạc cổ truyền Nam Bộ; Miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Bộ…hay phân chia nhỏ hơn theo từng miền văn hóa
Nếu phân loại theo loại hình, có thể: Hát đơn, hát đôi, hát tập thể…
Có rất nhiều cách để phân loại tùy theo mục đích và tiêu chí thì sẽ có cách phân chia hợp lý
Trong âm nhạc truyền thống, người ta cũng sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, đàn cò, đàn đáy, đàn kìm… Có những loại nhạc cụ chuyên dùng cho 1 loại hình ân nhạc, có nhạc cụ dùng cho nhiều loại hình âm nhạc. Ví như đàn đáy, phách, trống chầu thì chuyên dùng cho Ca Trù, nhị chuyên dùng cho Xẩm….