Dịch vụ dọn dẹp "cái chết cô độc" tại Nhật Bản
Nhật Bản vốn được biết đến là đất nước với những dịch vụ kỳ lạ, chỉ cần có nhu cầu thì sẽ luôn có dịch vụ đáp ứng ngay. Trong đó, “Tokushu sen-ou in” hay còn gọi là dịch vụ dọn dẹp cho người quá cố cũng rất phổ biến tại đất nước này. Ở đây, “người đã khuất” chính là khách hàng sử dụng dịch vụ.
Số người sống độc thân tại Nhật tăng không tưởng
Vào năm 2008, có 14.457.083 hộ gia đình một người trong số 49.062.530 hộ gia đình ở Nhật Bản. Con số vẫn không ngừng tăng lên mức 34,5% vào năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 39,3% vào năm 2040. Trong khi đó, các hộ gia đình có cặp vợ chồng và trẻ em, từng chiếm hơn 40% tổng số, được dự đoán sẽ giảm từ 26,9% xuống 23,3%.
Viện nghiên cứu quốc gia dự đoán, vào năm 2024, những người sống độc thân sẽ chiếm gần 40% tổng số hộ gia đình ở Nhật Bản khi nhiều người tiếp tục trì hoãn hoặc xa lánh hôn nhân trong bối cảnh ly hôn gia tăng. Họ chấp nhận sống một mình trong một căn hộ, thậm chí là sống tách biệt và tạm biệt cõi đời một mình không ai phát hiện. Vì tiền nhà của họ được trả hằng tháng qua ngân hàng nên những chủ trọ thường sẽ không đến thu tiền trực tiếp, dẫn tới không nắm được thông tin dân cư ở trọ. Chỉ đến khi tiền nhà trong tài khoản không còn đủ trả hoặc xuất hiện mùi gây ảnh hưởng dân cư xung quanh, người dân mới báo cáo chính quyền xuống tìm hiểu.
Đội ngũ gọi là “Tokushu sen-ou in” sẽ thực hiện việc dọn dẹp chỗ ở cho những người quá cố đó trở về nguyên vẹn nếu có “cái chết cô độc” xảy ra trong căn phòng. Về đồ của người mất, nếu gia đình từ chối nhận, công ty dọn dẹp sẽ đem chúng đi thiêu.
Dịch vụ dọn dẹp phòng cho người quá cố
Trước khi đội “Tokushu sen-ou in” tới, xác của người chết đã được đưa đi an táng. Đội dọn dẹp được mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân với thiết bị kỹ càng.
Sau khi vào phòng, họ sẽ tập trung dọn dẹp thật nhanh mà không than vãn, không khó chịu gì. Những món đồ kỉ niệm còn nguyên vẹn sẽ được xếp gọn và gửi đến gia đình người đã mất.
Các nhân viên dịch vụ Tokushu sen-ou in chuyên tâm dọn dẹp căn hộ của người đã khuất
Sau khi dọn dẹp xong căn phòng sạch sẽ, đội dọn dẹp sẽ tiến hành dùng máy khử mùi để làm sạch không khí, đốt nhang cùng một bó hoa, cầu nguyện để tiễn đưa người đã khuất. Cuối cùng, họ rời đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ,
Nhân viên thắp hương cùng hoa để cầu nguyện lần cuối trước khi rời đi
Công việc thu nhập cao nhưng ít ai làm
Mức lương của nghề này khá là hấp dẫn, giao động khoảng 81,000 Yên (13.601.034 VND) đến 341,000 Yên (57.258.674 VND) tùy theo không gian phòng. Tuy nhiên vẫn không có nhiều người dám làm vì tính chất “nhiều trải nghiệm” và cần tinh thần thép.
Khi bước vào phòng có “Kodokushi” (Cái chết cô độc), sẽ luôn có cảm giác cực kỳ nặng nề quanh phòng. Đó không phải do mùi hay căn phòng bừa bộn, mà chính là sự trống trải của người ở một mình.
Sự trống trải và trầm lắng trong một căn phòng “Kodokushi”
Ở mỗi căn phòng sẽ có mỗi tình trạng khác nhau, như vết máu trên sàn, xác người dính vào giường hay bồn tắm. Việc dọn dẹp thậm chí còn bận rộn và cực nhọc hơn nhiều vào mùa hè, vì xác chết sẽ dễ bốc mùi hơn dưới cái nóng ngột ngạt. Nếu người làm dịch vụ dọn dẹp phòng cho người quá cố không chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ cảm thấy nó thật khó khăn, rối loạn cảm xúc và khó để có thể tiếp tục công việc này.
Bạn sẽ không đoán được điều gì sẽ diễn ra trước mắt mình khi tới dọn dẹp
Miyu - một nhân viên trong ngành này chia sẻ rằng, ban đầu cô thấy công việc thật khó khăn và cảnh tượng trong căn phòng của người đã khuất đôi khi rất đáng sợ. Ngoài ra, điều khó khăn nhất đối với cô là việc không biết nên hỏi han gia đình của người đã mất như thế nào và nên nói đến đâu là đủ.
Một xã hội phát triển nhanh chóng và bận rộn đã khiến tỷ lệ già hóa tại một đất nước hiện đại như Nhật Bản dần tăng cao và tỷ lệ sinh giảm mạnh. Họ dần ưu tiên công việc và bỏ qua ý định lập gia đình, lựa chọn sống một mình. Hiện trạng này tăng lên cũng là lúc dịch vụ Tokushu sen-ou in (Dọn dẹp phòng cho người quá cố) xuất hiện, xử lý “hậu sự” cho những người cô đơn.